Bài học 2: Chấp thủ là chướng ngại lớn nhất của sự giác ngộ
Có thể nói rằng, bằng những ví dụ cụ thể, dễ hiểu, thông qua hình ảnh con rắn, Đức Phật đã truyền tải được triết lý sâu xa về ý nghĩa của giáo lý thông suốt, thấu đáo của Ngài. Tu đúng pháp con đường dẫn đến Niết bàn, nhưng bản tánh chấp thủ lại là những cản ngại lớn nhất của sự giác ngộ, của cuộc hành trình đi đến mục đích cao cả của đời người.
Có như không có
Triết lý của Đức Phật là một môn khoa học hoàn chỉnh có thể làm cho con người trở nên thích thú và say đắm như thể là tìm thấy được báu vật quý giá để có thể giúp cho mỗi người trở về với bản tánh thật sự, xa lìa chấp thủ “cái này có, cái kia không”, “cái này của mình, cái kia của mình”, hoặc “cái này không phải của mình cảm thấy khao khát nếu được là của mình”… Tất cả là nguyên nhân sâu xa của đau khổ, phiền muộn, là khởi nguồn để tạo tác bằng những hành vi sai trái, phạm pháp hòng chiếm đoạt những thứ vốn nằm ngoài khả năng nắm giữ của mình.
Đức Phật nói: “Kẻ vô văn phàm phu, không yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Xem sắc pháp, xem các cảm thọ, xem các tưởng, xem các hành, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tầm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, và bất cứ kiến xứ nào đều nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi; xem như vậy là cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
Chính vì chấp thủ như vậy, cho rằng mọi thứ là thường hằng, là có thật, là tồn tại mãi mãi mà mọi người cứ cố níu kéo, cất giữ, giấu diếm bằng mọi giá. Sự chấp thủ là môi trường tốt để sự ganh ghét, lòng tham, nỗi đau khổ thường hằng có nơi dung túng mà phát triển. Chấp thủ không mang đến sự giải thoát, mà là cản ngại lớn lao, níu giữ tâm trí và hành động của chúng ta, làm cho đôi chân ta nặng nề không thể tiến về phía trước.
Không là có
Khác với kẻ vô văn phàm phu, Đức Phật nói về vị Thánh đệ tử: “Thái độ của vị Thánh đệ tử nghe nhiều thời khác hẳn, không những các vị này yết kiến, thuần thục, tu tập pháp các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, các vị này đối với 5 thủ uẩn là cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi; xem như vậy là cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Vị này do quan sát như vậy, đối với sự vật thấy không thật có, nên không có lo âu phiền não.
Rõ ràng là xét theo tâm tính của kẻ vô văn phàm phu, bởi vì chấp cái này có, cái kia có mà họ mất đi cái thật sự cần có là thoát khỏi sự phiền não; trong khi đó bậc Thánh nhân do nhận biết mọi thứ đều là không có nên họ có được sự an lạc, thanh nhàn. Cái hay trong triết lý Phật giáo có thể nói chính là sự huyền diệu vô minh “có mà không, không mà có”. Cái sự có lúc đầu đến có lúc sau tuy có vẻ như giống nhau nhưng thực chất đã có sự chuyển biến về lượng. Giống như một vòng tròn đồng tâm, sự trở về của vấn đề cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu bằng một đường tròn lớn hơn, tốt đẹp hơn.
Diệt trừ phiền não như thế nào?
Có người nghĩ như sau: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người ấy sầu muộn than van khóc lóc đi đến bất tỉnh.
Để cho phương thuốc hữu hiệu giúp con người diệt trừ phiền não, Thế Tôn đặt một số câu hỏi:
Các người có thể nắm giữ một vật sở hữu gì mà vật sở hữu được nắm giữ sẽ thường hằng, thường còn, thường trú, không chuyển biến không? – Thưa không!
Các người có thể thấy một vật sở hữu gì được nắm giữ và vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú mãi mãi không? – Thưa không!
Thế Tôn xác nhận: “Thế Tôn cũng không thấy vật sở hữu nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, có thể trú như thế này mãi mãi”.
Các người có thể chấp thủ một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.
Các người có thấy một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.
Thế Tôn cũng không thấy ngã luận thủ nào, mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não.
Các người có y chỉ kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không.
Các người có thấy kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não không? – Thưa không!
Thế Tôn cũng không thấy kiến y nào mà kiến y được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não.
Nếu có ngã thời có ngã sở thuộc, nếu có ngã sở thuộc thời có ngã của tôi. Nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thời kiến xứ này: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng”, kiến xứ ấy có hoàn toàn ngu si không? – Kiến xứ ấy thực sự là triệt để ngu si.
“Kinh Ví dụ con rắn quả là một bài kinh hay đã nói lên những nhận thức sâu sắc đối với những lời dạy của đức Phật về những tai hại do những chấp thủ nói trên đưa đến. Tiếp đến đức Phật trình bày 6 kiến xứ, chấp thủ 5 thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta; chấp thủ tự ngã và thế giới là thường còn, thường hằng sau khi chết. Chính sự chấp thủ 6 kiến xứ này đem lại sự tái sanh đời này sang đời khác, kể cả những sầu bi lo âu phiền não trong đời sống hiện tại”.
Như vậy, rõ ràng là, tu đúng chánh pháp là con đường duy nhất để đến Niết bàn, nhưng trên con đường ấy nếu chúng ta không dẹp bỏ được sự chấp thủ, bản ngã của mình thì đường đi đến đích hãy còn nhiều cản ngại lắm vậy!
DIỆU QUANG