Mùa xuân tinh tấn

0
216

Đối với Phật tử cũng như đa số quần chúng nhân dân, năm mới gợi lên những hy vọng mới và những nỗ lực trong tu học, thực hiện các Phật sự để hiện thực hóa những hy vọng ấy.

Thuật ngữ Phật học gọi những nỗ lực này là sức tinh tấn. Một số giải thích, xếp loại tinh tấn từ các nguồn trên có thể đôi chỗ khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý tinh tấn là sự nỗ lực trong tu tập để thăng tiến không ngừng cho đến khi đạt được cứu cánh tối hậu.

Trong kinh điển Phật giáo có rất nhiều các kinh luận nói về tinh tấn như Ưu Bà Tắc Giới kinh, Đại Phương Quãng Thập Luận kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm kinh, Bồ Tát Địa Trì kinh, Tạp A Hàm kinh, Đại Bảo Tích kinh, Duy Ma kinh, Chư Pháp Tập Yếu luận, Đại Trí Độ luận, Đại Tỳ Bà Sa luận, Du Già Sư Địa luận… Gần gũi nhất là kinh Bát Đại Nhân Giác: “Đệ tứ giác tri, giải đải trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục”.

Các nhà Phật học phân biệt nhiều loại tinh tấn: Tinh tấn trong từng lĩnh vực họat động, tinh tấn trong thân tâm, trong trí tuệ, tinh tấn thế gian, tinh tấn xuất thế gian… Điều này khẳng định chân lý rằng, sự sống là một dòng liên tục và phải không ngừng tinh tấn để không bị thối thất, sa đọa. Lại nữa, khi kinh luận nhắc đến hạnh tinh tấn của Bồ Tát là nhằm nói đến tính xã hội trong tinh tấn, đó là sức cố gắng để giúp đời, để làm Phật sự lợi tha với lòng từ bi và trí tuệ vô lượng. Tinh tấn còn giúp chúng ta tăng trưởng đạo tâm, tăng cường đạo lực, điều kiện cốt lõi để thành công trong Phật sự.

Tinh tấn ví như mũi nhọn luôn xông tới, tiến lên, công phá mọi trở ngại. Kinh điển còn gọi sức mạnh này là tinh tấn cung (cái cung của tinh tấn), đồng nghĩa với trí tuệ tiễn (mũi tên trí tuệ) hay tuệ kiếm (cây kiếm trí tuệ). Tinh tấn còn có nghĩa là đạt được những thành tích mới. Tinh tấn mang ý nghĩa của cái mới, của sức sống mới ví như chồi nụ mùa xuân.

Xưa kia, đệ nhất Tổ Giác Hoàng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bị một vị Tăng chê là cứ dùng công án cũ. Tam Tổ Pháp Loa cũng bị một vị khác chê là cứ nêu cái cũ mà không nêu cái mới. Cả hai vị Tổ đều trả lời: “Mỗi lần nêu ra (dù là cái cũ) là mỗi lần mới”(Nhứt hồi niêm xuất,nhứt hồi tân!”. Thực hiện kế hoạch Phật sự do Giáo hội đề ra, ta thấy nhiều vấn đề, nhiều công việc xem ra có vẻ như không mới. Nhưng ta phải nỗ lực tinh tấn để thực hiện tốt các Phật sự bằng cách nhận ra cái mới bao hàm trong đó. Tinh tấn ở đây chính là sức sống, là sự sáng tạo, là sự áp dụng kỹ năng và trí tuệ trong công tác phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Phật tử hàng ngày làm Phật sự, do công việc đều đặn mà quên đi cái mới trong công việc. Một sự việc, một vấn đề có thể xảy ra nhiều lần, tưởng như là chuyện cũ. Thực ra, mỗi lần đều có cái mới. Chúng ta cần nhận ra cái mới, vì cái mới bao hàm ý nghĩa tinh tấn”.

TT.Thích Minh Vũ