Những tấm gương hiếu hạnh…

0
235

Tháng 7 – mùa Vu lan báo hiếu này, tôi có dịp đi và gặp những người con có tấm lòng hiếu hạnh hết mực. Với họ, hiếu làm con phải đặt lên hàng đầu chứ không nề hà đến chuyện khó khăn. Xin giới thiệu đến quý độc giả về 2 người con như thế…

Chị Nguyễn Thị Thu (pháp danh Huệ Cúc) – Phụng dưỡng ba má, nuôi đàn em khôn lớn.

Tôi gặp chị ở chùa Phước An khi chị tranh thủ buổi chợ để vào chùa làm công quả. Thầy trụ trì chùa cho biết; Huệ Cúc là người chuyên lo việc cúng bông, trái cây để dâng lên bàn thờ Phật. Ngoài việc ông quả tươm tất, chị còn thường xuyên đến chùa niệm Phật, tụng kinh, cầu nguyện cho ba đã mất, cho má được sức khỏe, mấy đứa em làm ăn phát đạt…

Chị Thu sinh năm 1965. Nhà ở số 210 đường Lê Hồng Phong, Phú Hòa, TX.TDM. Hồi còn nhỏ, gia đình chị rất nghèo. Ba má phải làm việc cật lực để nuôi chị và 9 đứa em nữa. Ba làm nghề mộc, má buôn bán ở chợ. Gia đình nghèo, con đông nên đang học lớo 11, chị phải nghỉ học để phụ giúp ba má nuôi em. Năm đó, má chị cũng vừa sinh đứa em gái út.

Gia cảnh hơi khá giả một chút, thoát được cảnh nghèo đói khi đứa em út lớn lên. Tưởng là chị đã thảnh thơi để lo cho hạnh phúc của bản thân mình. Nhưng rối ba chị lâm bệnh. Đang làm việc thì bị tai biến ở nhà. Năm đó, ba chị Thu vừa tròn 60 tuổi. 3 năm sau thì bệnh trở nặng phải nằm một chỗ. Đàn em đông nhưng đứa đi học, đứa đi làm, chị cùng má chăm sóc cho ba. Đến 8 năm sau ngày bị bệnh, ba chị mất. Đó là một mất mát lớn với chị và chị đã cùng gia đình đem ba vào “gửi” trong chùa Phước An. Cũng từ đó, chị làm Phật tử của chùa để ngày đêm tụng niệm cho ba được vãn sinh tịnh độ…

Khi ba mất thì má cũng đến tuổi già. Năm nay má chị Thu 63 tuổi. Vất vả, sinh nhiều con nên sức khỏe của má cũng không được tốt. Má chị hay bệnh, nay chỉ ở nhà nhìn ngó nhà cửa, trông chừng các cháu. Chị lại là người chăm sóc mẹ già. 9 người em của chị giờ có 7 người lập gia đình, còn 2 em sống chung là Nguyễn Thị Kim Liên và Nguyễn Thị Mai. Hiện tại, chị Thu cùng chị Mai mua bán trái trái cây ở gần chợ Đình. Cuộc sống khá giả hơn nhưng nhìn lại mình, chị vẫn cô đơn một thân một mình. Tôi hỏi chị có… chạnh lòng không khi nghĩ về bản thân mình, khi không có cơ hội tìm một tổ ấm như bạn bè cùng trang lứa, chị Thu chỉ cười: “Tôi không nghĩ cho bản thân. Hồi đó nghỉ học vì nhà nghèo túng quá. Giờ tôi là một Phật tử. Tôi thấy mình rất may mắn khi gặp được thầy trụ trì của chùa Phước An. Lên chùa, tôi gặp được nhiều đạo hữu thân tín. Mọi người cùng nhau làm công quả, đi là từ thiện khi có dịp. Mấy đứa em cũng rất quý kính tôi. Tôi thấy mình thanh thản hơn nhiều khi đến chùa. Đến đây tôi không cô đơn bởi Phật tử trong đạo tràng thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Khi bệnh tật thì cùng chia sẻ vui buồn”…

Chị Mai Thị Mai- Một người dâu thảo

Quá trưa, tôi đến ấp Dư Khánh, Thạnh Phước, Tân Uyên ghé thăm chị. Đó là ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa. Chị cũng rất hiền khi đã hơn 8 năm nay chăm sóc mẹ chồng bệnh nặng mà chưa một lời “hờn mát” nào cả. Chị là Mai Thị Mai, đã ngoài 50 tuổi và lúc nào cũng tươi cười…

Khi mọi người khen chị hiếu thảo, có cách suy nghĩ và sống sao hay quá đỗi chị chỉ cười: “Có gì đâu, tôi là dâu trưởng của má, chăm sóc, phụng dưỡng má là nhiệm bổn phận của tôi mà. Hơn nữa, tôi còn có chị em bên chồng giúp đỡ rất nhiều…”

Má chồng chị Mai là bà cụ Đỗ Thị Giàu năm nay đã 87 tuổi. Hơn 8 năm trước, một lần sơ ý, bà cụ bị trượt chân té và bệnh, nằm luôn đó đến giờ. Chị Mai kể: “Hồi trước, má tôi vẫn biết, nói năng bình thường. Gần 3-4 năm nay bị nhũn não, chỉ nằm vậy thôi. Nhưng 2 năm trở lại đây thì hầu như không biết gì. Việc ăn uống của má dùng toàn chất lỏng và phải bơm bằng ống”. Chăm sóc người bệnh riết mà giờ chị… rành việc như một y tá! Chị nói về “lịch” ăn uống, tắm rửa cho mẹ chồng: Mỗi ngày bơm 4 lần thức ăn, sữa, thuốc cho má; sáng 6giờ 30 bơm sữa; 9giờ 30 bơm thức ăn. Chiều 3giờ 30 lại bơm thức ăn. Đến 8giờ tối lại bơm một cữ sữa và thuốc. Người già bệnh rất mệt mỏi nên chị cũng thường xuyên lau rửa cho bà cụ thấy thoải mái hơn. Mỗi ngày, chị cùng một người chị chồng “bồng má đi tắm”. Một điều mà những người đến thăm bệnh đều nhận ra là dù nằm một chỗ năm này qua năm khác như vậy nhưng trông cụ rất sạch sẽ. Chị Mai cười cho biết: “Má nằm cũng hết cỡ 3-4 cái nệm hơi gì đó. Nệm cũ, hư hỏng đâu là mấy chị em lại lên thành phố mua nệm mới thay cho má liền!”.

Để có thức ăn lỏng truyền vào ống cho má chồng, chị Mai thường dùng gạo, tôm, thịt, cá, rau… bằm nhuyễn, nấu chín, sau đó mới xay rồi lược lại thêm một lần nữa cho thật nhuyễn để ống bơm kg bị nghẹt. Nước trái cây như cam, nho… chị cũng tự xay từ trái cây thật tươi, ngon. Một ngày ngoài công việc chăm sóc má chồng, chị còn cắt cỏ nuôi 3 con bò và làm nội trợ. Chồng chị đi làm phụ hồ. Hai con gái cũng lớn tuổi và đã đi làm.

          Điều đáng quý là chị Mai không hề “kể công” chút nào mà luôn nói “nhiều người phụ tui chăm má nữa”. Má chồng chị Mai có 7 người con, 3 trai, 4 gái. Chị cả Phạm Thị Hai, không có gia đình nên cũng là người phụ giúp chị Mai chăm má nhiều nhất. Những người con gái và dâu rể khác cũng hay đến thăm và chăm sóc má khi có dịp. Tất cả những người trong nhà mà tôi gặp đều cho rằng, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là bổn phận và nghĩa vụ của một người con đối với bậc sinh thành.

          Trong câu chuyện, đôi lần kể về bản thân mình, chị Mai cũng cười rất hiền lành: “Tôi là người ở Cù lao Thạnh Hội được má cưới về làm dâu từ năm 1983. Tôi mồ côi cha từ 9-10 tuổi, má ruột, ba chồng cũng mất rồi nên giờ tứ thân phụ mẫu chỉ còn có má chồng. Hồi con con gái, má ruột tôi bị mù lòa nên tôi cũng chăm sóc má, lo chuyện nhà cửa phụ với anh Hai nên quen việc”. Với công việc hiện tại, chị Mai cho rằng; khi má trẻ, khỏe mạnh đã vất vả nuôi con thì giờ bệnh như vậy, con cháu cần biết yêu thương, chăm sóc, không nề hà. Đó cũng là cách chị dạy 2 cô con gái của mình. Chị cũng rất chân tình kể về mẹ chồng của mình: “Má hay nói, tôi là đứa sớm mồ côi cha nên má thương như con gái. Cưới xong giữ lại ở trong nhà không cho ở riêng. Hồi tôi mới sinh bé Thúy, con đầu lòng, nó bị đẹn vôi khóc suốt đêm. Má nóng ruột vô bồng cháu. Cả đêm má ôm cháu, ru ầu ơ để cháu nín, cho con dâu ngủ đến khi cháu khóc quá mới kêu dậy cho bú. Nghĩ tới cái tình của má nên giờ tôi không quản ngại khó khăn. 2 lần sinh nở cũng do một tay má chồng chăm lo vì má ruột không thấy đường. Giờ đến lúc tôi trả nghĩa má đó chứ, có khó khăn gì đâu…”

Hàng xóm cũng khen chị Mai hết lời về nết ăn nết ở. Nhiều người còn khen, thời nay, ít có người chịu làm dâu nhưng chị Mai vẫn sống với má chồng mấy chục năm nay, vẫn duy trì gia đình 3 thế hệ luôn êm đềm, hạnh phúc là một điều đáng quý.

Quỳnh Như