Đức Phật của làng tôi đã có tới hai ngàn mùa sen nở. Nhưng những gì tôi biết được về làng, về Đức Phật chỉ có khoảng sáu mươi năm trở lại đây. Tôi nhớ lại tháng Ba năm Ất Dậu (1945), dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dân làng tôi không còn gì để ăn, nhiều người bị chết đói, chùa làng vắng lạnh, không còn tiếng chuông ngân. Mọi người rau cháo cầm hơi, cầu Phật, chờ trông lúa đồng sậm hột vàng bông. Nhờ trời Phật vụ chiêm năm ấy, dù ít công người chăm bón, lúa vẫn được mùa, người nào còn sống sau nan đói vẫn có cơm ăn.
Theo sử sách, làng cổ quê tôi có từ hồi vua Hùng dựng nước. Đến nay người làng tôi có nhiều dòng họ khác nhau, nhưng đều là con Lạc cháu Hồng, đều là con Phật. “Con một cha, nhà một nóc”, nên mọi người coi nhau như người thân, không phân biệt sang hèn, tùy theo tuổi tác, gọi nhau là cháu, con, cô, dì, anh, chị, em, chú, bác, ông, bà… Đồng làng, đồng hương, nên đồng cảm, gắn kết sẵn sàng, đùm bọc, chia sẻ cùng nhau. Đôi khi giữa người này, người khác cũng có chuyện bất hòa, va chạm, xô xát, nhưng rồi lại nhanh chóng lắng dịu, qua đi. Vì tình làng nghĩa xóm, ai nấy đều biết cảm thông, sám hối.
Xưa nay dân làng tôi sống bằng sức lao động của mình “tay làm hàm nhai” nên rất ghét kẻ ngồi không ăn bám, tham ô trộm cắp. Nhà ở không cần phải cửa đóng, then cài, ra khóa vào mở. Đất đai không có rào ranh, cột mốc. Tâm thức của người làng tôi “kính lão đắc thọ”, “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Của chùa, là của công, của làng, là vật linh không ai dám tơ màng chiếm dụng. Dân làng tôi thương thân, thương người, luôn làm việc thiện. Họ giúp nhau vốn giống, kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau xây dựng nhà ở, giúp nhau tang tế, hôn nhân, cùng nhau chia buồn, góp vui mọi chuyện.
Lòng nhân ái của người làng tôi phải chăng đã được Đức Phật truyền dạy từ đời này qua đời khác, ăn sâu bám rễ trở thành tư tưởng, tâm lý, lối sống văn hóa của làng.
Nhờ Đức Phật, người làng tôi ngày càng nhận ra khả năng của mình, không trông chờ sự cứu độ hão huyền. Bằng trí tuệ và tình yêu của mình, người làng tôi đã làm nên tất cả.
“Hình ảnh của đức Phật là hình ảnh cao thượng nhất, hoàn hào nhất mà con người thường đạt tới”. Chỉ có thương cho dân làng tôi, vì nhiều lý do, đã có một thời không hiểu Phật, tẻ lạnh với Phật. Nhưng rồi mây mờ cũng qua, nhật nguyệt lại sáng.
Trải bao biến cố thăng trầm, thiên tai địch họa, ơn nhờ trời Phật làng tôi vẫn còn những nét thanh bình. Người xứ khác tới nhập cư, người ra đi phiêu bạt cũng nhiều. Nhưng họ đều chí thú làm ăn, thành đạt, đem tiền của về cùng người ở lại xây dựng quê hương, trong đó có chùa làng được trùng tu, tôn tạo khang trang, to đẹp, xứng đáng là nơi tôn thờ đức Phật của làng.