Quy hoạch nhân sự là một trong những giải pháp góp phần phát triển GHPGVN trong tương lai

0
252

Toàn văn tham luận Đại Hội Đại Biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII:

 Quy hoạch nhân sự là một trong những giải pháp góp phần phát triển GHPGVN trong tương lai

 HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Thượng tọa Thích Huệ Thông         

Kính bạch chư Tôn đức!

              Kính thưa quý Đại biểu!

              Có thể nói rằng, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc luôn là ngày hội lớn vô cùng thiêng liêng trọng đại đối với toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, bởi qua mỗi kỳ đại hội, Phật giáo nước nhà lại có thêm những sách lược, những định hướng thể hiện tầm nhìn trí tuệ, phù hợp với tình hình thực tiễn, tất cả được đưa ra bàn thảo công khai dân chủ để đi đến sự nhất quán trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, từ cơ sở này, chất lượng phụng sự đạo pháp và dân tộc của Giáo hội ngày càng được nâng cao và hiệu quả. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII được tổ chức trọng thể trong vị thế đi lên bền vững của GHPGVN với những thành tựu vượt bật trên nhiều lĩnh vực hoạt động Phật sự sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển. Điều này thể hiện sự xương minh của Phật giáo giữa lòng dân tộc, được sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết hòa hợp của Chư Tôn đức, toàn thể Tăng, Ni, Phật tử, nhất là trong quá trình đồng hành cùng dân tộc đã tạo được sự tin tưởng và hỗ trợ tối đa của Nhà nước cũng như sự kính ngưỡng tiếp duyên của quần chúng nhân dân. Điều này còn tạo nên những thuận lợi nhất định để Phật giáo đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tất cả những thuận lợi to lớn này chính là nội lực, là nền tảng và cũng là nguồn cảm hứng sâu xa để Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII  hướng đến những mục tiêu cao cả, định hướng trí tuệ, vận hành khoa học, phù hợp tình hình thực tiễn, mà Nghị quyết và chương trình hành động Phật sự của Giáo hội sẽ đề ra trong thời gian tới.

    Kính bạch Chư Tôn đức!

    Kính thưa Đại hội!

 Trong xu thế hội nhập, phát triển toàn diện của đất nước, tất nhiên trong đó có sự phát triển lớn mạnh của GHPGVN trong suốt 30 năm qua, để đạt được sự phát triển bền vững, có chất lượng, mang tính thiết thực trong sự nghiệp tu hành giải thoát và hoằng pháp độ sanh, thiết nghĩ chúng ta cần có một sách lược tối ưu, một chiến lược khả thi nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh thời đại. Do vậy chúng tôi mạo muội cho rằng, GHPGVN rất cần một định hướng mang tính chiến lược, thích ứng với nhu cầu thời đại, sâu sát với tình hình thực tiễn, nhất là phải mang tính khả thi, thì mới có thể thỏa mãn yêu cầu phát triển bền vững…

Một khi đề cập đến chiến lược phát triển GHPGVN trong bối cảnh thời đại, theo tôi, trước hết, chúng ta rất cần đến sự dung hòa một cách trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại. Như chúng ta đã biết, yếu tố truyền thống của đạo Phật là tu hành giác ngộ giải thoát, dấn thân phụng sự đạo đời trên tinh thần vị tha vô ngã. Yếu tố hiện đại là những phương tiện thích nghi tạo điều kiện thuận lợi nhằm hanh thông Phật sự đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại. Sự kết hợp dung hòa một cách trí tuệ giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp chúng ta thăng tiến và dễ dàng nhận ra những tồn tại trên bước đường hướng tới những mục đích cao cả trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội. Tuy nhiên, do nhận thức giới hạn, thậm chí có phần lệch lạc về ý nghĩa truyền thống mà chúng ta đã khô cứng và đóng khung từ cơ cấu tổ chức nhân sự đến công tác điều hành từ trung ương đến địa phương trong suốt thời gian dài, đồng thời do tầm nhìn giới hạn, nên chúng ta thường rơi vào hai thái cực, một là “bế môn tỏa cảng” quay lưng với thực tế, hai là bị cuốn theo nhịp sống thời đại, từ đó phát sinh muôn vàn vấn nạn, với nhiều nguy cơ đời sống chúng ta dần dần bị thế tục hóa.

Cả hai thái cực này vô hình trung khiến chúng ta rơi vào tình thế bị động, trong khi đó xã hội ngày một phát triển, ngày càng đòi hỏi sự cống hiến của chúng ta nhiều hơn. Nếu chúng ta cứ chủ quan chấp nhặt vào yếu tố truyền thống, hoặc ứng dụng một cách máy móc các phương tiện hiện đại vào công tác Phật sự, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào vòng xoay lẩn quẩn, không tìm ra giải pháp tối  ưu để phát triển. Nhận chân điều này chúng ta sẽ đễ dàng đưa ra chiến lược thích ứng cho sự phát triển GHPGVN trong thời đại mới. Chính là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, sẽ là cơ sở để chúng ta đưa ra những giải pháp khắc phục, định hướng chuẩn và đặt nền móng cho tiến trình cải cách, đổi mới từ khâu nhân sự đến công tác giáo dục và hoằng pháp.

Để xây dựng một chiến lược phát triển GHPGVN tròn đầy Phật chất, kiên cố vững bền, dồi dào nguồn sinh lực kế thừa, trước mắt chúng ta cần phải quy hoạch một cách có trí tuệ và khoa học, nhất là khâu nhân sự đến cơ chế vận hành, từ phương thức hoạt động đến từng nội dung công tác Phật sự một cách cụ thể.

Nếu nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của GHPGVN trong thời gian tới, đó chính là những giới hạn ở khâu nhân sự. Tất nhiên, những khó khăn như vậy chỉ có thể khắc phục bởi tinh thần tự giác nỗ lực hành trì và nâng cao nghiệp vụ nơi mỗi thành viên trong Giáo hội.   Trên thực tế, khả năng thay đổi để thích nghi hòa nhập hầu nh­ư chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, điều này khiến cho Phật giáo thời đại ngày nay, từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự, từ quan niệm, khuynh hướng đến cách thức điều hành, công tâm mà nói dường như chưa thể bắt nhịp với sự phát triển nhảy vọt của thời đại. Điều này đã đặt ra trong bản thân Giáo hội một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực, lẫn về mặt tổ chức điều hành Giáo hội.

Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của Tăng già và khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là về nhân sự và tổ chức. Nhân sự có tốt thì Giáo hội mới vững mạnh. Tổ chức có tốt thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò. Thực tế cuộc sống thời đại cho thấy, nếu Phật giáo thiếu định hướng giáo dục đào tạo hợp lý, ắt sẽ khó tránh khỏi những hoạt động yếu kém. Do đó, một khi đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn và thách thức, góp phần phát triển bền vững GHPGVN, dù nói gì cũng phải tập trung vào yếu tố con người, sau đó mới bàn đến phương hướng kế hoạch để vượt qua những thử thách khó khăn đang vướng mắc. Tầm quan trọng về yếu tố con người cũng đã được đề cập trong Thông điệp của đức Pháp chủ và diễn văn Phật đản Pl. 2556 của đức Chủ tịch HĐTS. GHPGVN. Mặt khác, muốn tháo gỡ những khó khăn và thách thức mà PGVN đang phải đối mặt thì chúng ta nên tận dụng tối đa những thuận lợi và cơ hội đang có để phục vụ mục đích tu hành và hoằng dương chánh pháp.

Tuy nhiên, sự giới hạn ở khâu nhân sự, nguyên nhân sâu xa chính là chúng ta chưa có chiến lược quy hoạch nguồn nhân sự một cách nghiêm túc, dẫn đến điều này là do chúng ta ngộ nhận về yếu tố truyền thống, trung thành với lề lối truyền thống, để minh chứng điều này, trên tinh thần đóng góp xây dựng, với nhiệt tâm vì sự hưng thịnh vững bền của Phật giáo nước nhà, chúng tôi mạo muội nêu ra những giới hạn trong cơ cấu nhân sự và tổ chức hành chánh đang hiện hành trong ngôi nhà GHPGVN trong nhiều năm qua:

Về cơ chế tổ chức và nhân sự của GHPGVN:

Do thiên về truyền thống, nên việc đề cử nhân sự vào Giáo hội lâu nay th­ường chú trọng vào mặt cao niên, còn yếu tố năng lực và tuổi tác (sức khỏe) lại không được quan tâm nhiều. Trong khi đó, yêu cầu thực tế cho thấy, ngoài yếu tố căn bản là phẩm hạnh đạo đức, cao niên thì yếu tố năng lực và sức khỏe (tuổi tác) cũng là những yếu tố rất quan trọng trong thời đại ngày nay, nó còn là nền tảng để quy hoạch chiến lược phát triển nhân sự cho Giáo hội  một cách bền vững về lâu về dài. Chính vì vậy mà Giáo hội cần chọn ra những vị vừa có phẩm hạnh đạo đức, vừa có tầm nhìn, có năng lực, có nhiệt huyết phụng sự đạo pháp và dân tộc, biết trọng dụng nhân tài, biết cấu trúc tổ chức và phân bổ công việc hợp lý, để hoạch định sự phát triển của Giáo hội.

Bên cạnh các nguyên tắc hành chánh riêng của Phật giáo, cụ thể như Bố tát, Yết ma… thì GHPGVN cũng là một tổ chức hành chánh Phật giáo, nên cũng hành sự theo các nguyên tắc hành chánh chung, không khác biệt lắm so với các tổ chức hành chánh khác. Chính vì vậy mà GHPGVN cũng không tránh khỏi những giới hạn trong hoạt động. Một trong những mặt cần cải cách hành chánh, đó là nên đặt nặng nội dung hơn là quá chú trọng vào hình thức, nhất là đối với tổ chức của Phật giáo. Chẳng hạn, hoạt động chính của Ban Thường trực HĐTS trong các kỳ họp sáu tháng đầu năm và cuối năm là tổng hợp và báo cáo các công tác Phật sự do các ban ngành Trung ương và các BTS tỉnh, thành gửi về. Theo tôi, Thường trực HĐTS cần phải bầu ra một bộ phận chuyên môn đặt trách về sách lược phát triển Giáo hội. Song song đó cũng cần phải bầu chọn ban thanh tra các cấp để giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Giáo hội cũng như của BTS các tỉnh thành đã đề ra.

Trong các hội nghị thường niên và cuối nhiệm kỳ của HĐTS, thay vì thiên về báo cáo và thành tích, chúng ta nên xoáy mạnh vào phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới. Đặc biệt cần thảo luận chi tiết để rút kinh nghiệm, từ đó hoạch định kế sách phát triển cho từng ban ngành. Tại các kỳ họp của HĐTS, Chư Tôn đức trong Ban Thường trực và các ủy viên của HĐTS cần phải làm việc tích cực để nhằm tìm ra được giải pháp tối ưu cho các Phật sự trọng tâm trong năm, có như vậy mới có thể sâu sát tình hình thực tiễn và nâng cao chất lượng Phật sự.

Trong các kỳ hội nghị thường niên và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, ngoài những hoạt động mang tính truyền thống như bấy lâu nay (khai mạc, bế mạc, báo cáo thành quả, định hướng chung chung…), thiết nghĩ Chư Tôn đức trong HĐTS nên dành một khoảng thời gian nhất định cho mỗi ban ngành Trung ương để nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đề ra chính sách phát triển các ban ngành trong nhiệm kỳ tới. Cách làm việc này sẽ giúp chúng ta tích cực hơn trong việc tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cải đổi cách làm việc đặt nặng hình thức thay vì nội dung.

Một vấn đề đáng quan tâm trong cải cách hành chánh của GHPGVN nữa, đó là tình trạng một người kiêm nhiệm quá nhiều việc. Thực ra, khi mới thành lập Giáo hội, việc kiêm nhiệm đã trở thành tình huống bất đắc dĩ. Thế nhưng đến nay có thể nói tình trạng kiêm nhiệm đã trở thành một nếp bình thường trong sinh hoạt của GHPGVN trong nhiều năm qua. Điều này khiến nhiều vai trò quan trọng trong GH trở thành vị trí “tượng trưng”. Trên thực tế, một người mà kiêm nhiệm nhiều ban ngành khác nhau trong Giáo hội chắc chắn sẽ không đủ sức khỏe và thời gian tham dự các buổi họp, nói gì đến việc điều hành hay trực tiếp tham gia các Phật sự. Đối với các ban ngành thường xuyên hội họp để tìm phương cách phát triển hoạt động Phật sự, người kiêm nhiệm nhiều công việc chắc chắn sẽ khó có thể hoàn thành Phật sự được giao phó.

Tình trạng kiêm nhiệm này vừa gây chồng chéo, vừa gây khó xử trong quan hệ công tác Phật sự… Trong thời gian dài qua, tình trạng “nhận chức, không nhận việc” đã tạo ra sự ách tắc các hoạt động Phật sự của Giáo hội, khiến cho Phật sự tại các ban và các tỉnh, thành lâm vào cảnh giẫm chân tại chỗ.

Trước thực trạng không nên kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển chung của GH, chúng tôi mạo muội cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn xóa bỏ cơ chế kiêm nhiệm trong Giáo hội, có như vậy thì mới có thể thực hiện chiến lược phát triển Giáo hội một cách vững mạnh thật sự.  Một điều không kém phần quan trọng nữa, đó là Chư Tôn đức trong HĐTS nên bố trí thành phần nhân sự trong các cơ cấu giáo hội sao cho phù hợp với khả năng, tình hình thực tiễn trong hoàn cảnh thời đại.

 Vấn đề thông suốt tư tưởng, quy hoạch nhân sự:

Quy hoạch nhân sự và thông suốt tư tưởng là yếu tố hàng đầu trong việc xác định trách nhiệm của mỗi thành viên trong Giáo hội, qua đó mỗi người tự có thái độ sống tích cực cũng như bổn phận phải thừa hành những trọng trách được giao trên tinh thần tự giác dấn thân phụng sự. Để thực hiện tốt điều này, ngoài vấn đề quy hoạch và bố trí nhân sự có năng lực và tâm huyết một cách hợp lý trong cơ cấu tổ chức Giáo hội. Thiết nghĩ, Giáo hội nên có những khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn, về công tác tư tưởng cho các thành viên trong Giáo hội. Đồng thời thông qua đó, nắm bắt tư tưởng, thái độ trong cuộc đời, tu hành của từng thành viên trong giáo hội. Từ đó có kế hoạch gạn lọc và bổ sung nhân sự mới hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có kế hoạch lập ban chuyên trách về công tác tư tưởng, và giao hẵn cho Ban này công tác tổ chức quy hoạch, đào tạo tuyển dụng nhân sự cho Giáo hội. Chúng tôi thiết nghĩ, đây cũng là một trong những phương cách cải thiện bộ máy hành chánh và trù bị kế sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của Giáo hội.

     Về vai trò của GH trong việc phát huy uy đức trong điều hành phật sự:

  Như chúng ta đã biết, Phật giáo có ba thuộc tính rất quan trọng để xây dựng nên một biểu tượng Bồ Tát nhập thế độ sanh, đó là Bi – Trí – Dũng. Nếu chúng ta chỉ có Từ bi, mà không có Trí huệ và Uy dũng thì chúng ta sẽ khó có thể đạt được những hoài bão cũng như nguyện vọng trên bước đường tu hành giải thoát, đó là chưa nói đến việc hành sự nhập thế độ đời. Nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều toát lên sự tôn nghiêm và uy đức, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trang nghiêm thanh tịnh của Giáo hội, Phật giáo sẽ tạo nên lực cảm hóa rất lớn trong đời sống con người, điều này giúp chúng ta dễ dàng thu phục và nhiếp dẫn chúng sanh vào con đường chánh pháp. Trong đời sống, một người không có uy đức thì lời nói không có giá trị; một tập thể Phật giáo mà không đủ uy đức thì trên nói dưới không nghe, thậm chí rất dễ bị ngoại đạo bày trò xúc phạm. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có quy chế làm việc nghiêm túc giữa Trung ương với các cấp Phật giáo tỉnh, thành, quận, huyện. Phải xây dựng quy chế giáo quyền, nghiêm minh kỷ luật và tuyên dương tán thưởng. Đây cũng là phương cách xây dựng cho nền tảng phát triển của Giáo hội.

                Kính thưa đại hội!

        Cách đây đúng 30 năm, được sự quan tâm hỗ trợ tối đa của Nhà nước, sự thống nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam, hình thành nên GHPGVN với phương châm, định hướng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, đây đích thực là động cơ giúp cho Phật giáo đồ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh đất nước trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, trên cơ sở này đã định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng, Ni, Phật tử đóng góp công sức trí tuệ cho sự hưng thịnh của đạo pháp và sự trường tồn của dân tộc. Hơn thế nữa, chính phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” đã khẳng định sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa Phật giáo với dân tộc trong thời đại, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững, vượt bật của Phật giáo trong lòng dân tộc trong suốt 30 năm qua và đây cũng sẽ là nền tảng để giáo hội tiếp tục phát huy cao hơn trong giai đoạn phát triển và hội nhập của thời đại mới.

     Nhân Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 của GHPGVN lần này, Giáo hội nên nhận chân tình trạng Phật giáo thời đại một cách khách quan, trung thực, qua đó mạnh dạn đổi mới hòa cùng sự đổi mới của đất nước, để phát triển GHPGVN vững mạnh, góp phần xây dựng bền vững cho đạo pháp và dân tộc.

  Đây là những ý kiến mang tính chủ quan xin được trình lên Đại hội, chỉ mong muốn được góp một phần nhỏ của mình trong ngôi nhà lớn của Giáo hội, ngưỡng mong Chư Tôn đức và quí vị đại biểu hoan hỷ cho.

               Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII  thành công viên mãn.

                               Nam mô Hoan hỷ tạng Bồ tát Ma ha tát.