Đừng để mê tín “lấn át” tín ngưỡng!

0
266

Tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng dân gian ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nét văn hóa đầu năm đi chùa lễ Phật, cầu lộc Bà (như bà chúa Xứ, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu…) trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, có khi sự mê tín đã “lấn át” cả tín ngưỡng làm cho con người trở nên quá đà!

          Thầy không làm được! 

          Cùng bạn bè, tết này tôi đi viếng một ngôi chùa ở Tân Uyên. Tình cờ nghe được câu chuyện “hơn cả mê tín” của một tín chủ nói với vị tăng ở đó. Một chị dắt theo đứa con trai khoảng 2 tuổi lễ Phật xong “nhờ” thầy. “Thầy ơi, con làm công nhân, lương không đủ nuôi con. Chồng con bỏ đi theo một cô khác. Con mong thầy làm sao cho anh ấy quay về cùng con, nuôi con của mình khôn lớn chứ con khổ quá!”. Vị tăng già cười hiền lành: “Thầy không làm được chuyện này cô à bởi thầy làm gì có… bùa yêu! Đó là trường hợp nếu có bùa yêu nhé! Phật giáo chỉ khuyên con người nên tùy duyên mà sống sao cho nhẹ nhàng, yên bình. Chuyện của con có thể coi là hết duyên, thầy làm sao… nối lại cho con được?”. Tất nhiên, vị tăng này cũng chỉ biết dừng lại ở mức độ khuyên người mẹ trẻ hãy ráng làm việc, nuôi con, không oán hận để lòng thanh thản. Mà khi thanh thản thì ít bệnh tật, có sức khỏe lo cho con cái… Hình như không được “đáp ứng nhu cầu” một cách như ý của mình, cô tiếp tục xin xăm, gieo quẽ và cho biết còn đi nhiều chùa nữa cũng với mong muốn chồng quay về!

          Do mê tín nên nhiều người đi chùa đốt thật nhiều nhang, vàng mã. Điều này thật không nên bởi gây lãng phí. Những ngôi chùa, miếu có đông tín đồ đến  viếng luôn luôn có đội quân… nhúng nước nhang vừa thắp bởi lo nguy cơ cháy nổ. Cũng do mê tín nên nhiều người sắm lễ vật thật “mâm cao cỗ đầy” mà không biết rằng, tâm lý mê tín này là miếng mồi béo bở cho những dịch vụ ăn theo mùa lễ hội. Thế mới có cảnh một con heo quay bị… quay vòng đến mấy lần cúng và gạo hẩm tính giá cắt cổ khi khách hành hương sắm lễ vật đi cúng tại miếu, đền thờ.

          Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Bình Dương cho rằng Phật tử cũng như nhiều người có tín ngưỡng Phật giáo cần tránh xa những chuyện mê tín, vô lý. Người có niềm tin Phật pháp luôn đề cao “bi – trí – dũng” nên ngoài đức từ bi cần có trí để phân biệt đúng sai, hay dở, phân biệt điều gì nên làm hay không nên làm khi đi chùa đầu năm…

           Nên tin vào bản thân mình

          Đường đến các chùa, miếu trong dịp khách hành hương du xuân luôn có dịch vụ bói toán, bán nhang đèn, bán lộc… vây quanh. Thế nên nhiều người đi chùa về mang thêm nỗi bực dọc bởi cảm thấy như mình bị lừa! Thật giả cũng khó phân biệt trong thời điểm này nên nếu chúng ta để cho tín ngưỡng bị che lấp bởi sự mê tín thì quả là không nên.

          Phật giáo cũng như tín ngưỡng dân gian luôn hướng con người đến những điều tốt đẹp, an lành. Với Phật giáo, phật tử cần có niềm tin vào chánh pháp, làm việc  thiện duyên để tâm được thanh thản, không nên nghe lời bói toán, vận hạn may rủi để rồi lo lắng không đâu vào đâu.

          Trong dòng khách hành hương đến chùa Hội An và chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu mới vừa khánh thành tại Trung tâm Thành phố mới Bình Dương, nhiều người đi viếng chùa với tâm thế thưởng thức thêm một cảnh chùa đẹp, thưởng lãm một pho tượng Phật được tạc từ đá quý. Họ thành tâm lễ Phật, lễ Bà với… tay không có nhang, đèn gì cả. Xong phần việc tâm linh ở chùa, họ đến bàn công đức đóng góp chút tiền để xây dựng những hạn mục còn dang dở như đông lang, tây lang… Chị Hà, một Việt kiều từ Úc về quê ăn tết nói: “Nét đẹp của người Việt mình là lòng thương người, là tín ngưỡng của ai cũng được tôn trọng. Về quê lần này đến nhiều nơi du lịch tâm linh vẫn thấy cảnh nhếch nhác, xô bồ không nên có. Tôi luôn đến chùa trong tâm thế của một người an nhàn, tự tại, đi thưởng ngoạn cảnh đẹp của từng ngôi chùa, từng vùng miền trên đất nước mình, thế thôi”.

          Đầu năm gặp nhau ai cũng chúc nhau sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, vạn sự như ý. Với  các thầy, cô trụ trì ở chùa cũng những lời chúc này. Khi con người có niềm tin, nỗ lực thực hiện những công việc, ước mơ của mình thì kết quả sẽ như mong muốn. Đó cũng là dựa vào bản thân mình vậy chứ có phải đâu dựa vào một thế lực siêu nhiên nào. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lần phát biểu với quan khách, phật tử tại lễ an vị “Kỳ lam ngọc phật” và lạc thành chánh điện chùa Hội An (TP mới Bình Dương) cũng cho rằng, không đi chùa, miếu với tâm thế của người mê tín. Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phật ở trong tâm mọi người. Khi đến chùa, đứng trước một bức tượng Phật, chúng ta chiêm bái để quy ngưỡng, để hòa hợp hơn với hình ảnh Phật trong tâm, để con người hướng về cội nguồn với những việc làm nhân bản, nhân văn với nhau hơn…

                                                                                                                   Quỳnh Như