Hương vị liễn – đối ngày xuân

0
223

Mùa xuân là của tất cả nhưng không phải ai cũng hưởng được mùa xuân một cách trọn vẹn. Người muốn hưởng xuân là người phải biết xuân, hòa nhập vào xuân và có hồn xuân. Ta hãy nhìn xem một thi sĩ, cụ đồ nho, một thiền sư… Họ đã đi đến mùa xuân và tình xuân trong chính họ. Để rồi từ đây, những con người biết xuân mới đem lại cho mùa xuân những hồn thơ, liễn – đối xuất ra từ tâm – khẩu chân thật của chính họ.

Xuân phong yểm ánh thiên môn liễu.

Noãn – vũ tình khai nhất kinh hoa.

Nghĩa là: gió xuân phất phới bóng cành liễu ngoài trước cửa. Mưa tạnh rồi nở đầy một ngõ hoa.

Thả hỉ tân niên, nhật noãn phong hòa vô tục sự.

Nhàn tầm cựu – ẩn, hoa hương điểu ngữ nhất ban xuân.

Nghĩa là: mừng năm mới gió mát trời hòa không vướng bận tục sự gì, thong thả tìm về nơi ẩn cũ, vui thú hoa thơm chim hót là hơn.

Đại tạo vô tư, xứ xứ đào – hoa tần tống noãn.

Tam dương hữu cựu, niên niên xuân sắc khứ hoàn lai.

Nghĩa là: Đại tạo (khí hóa của trời đất) không riêng gì xứ nào, chỗ nào hoa đào cũng đưa khí ấm đến. Tam dương là tiết xuân có ba khí dương, thì hằng năm vẫn đưa xuân – sắc đi lại trở về.

Ở đây ta thấy tác giả đã hòa nhập hồn mình vào cái vũ trụ bao la của trời đất, của hoa lá, cỏ cây… qua những câu đối liễn trên cho ta thấy tính giáo dục rất nhân bản. Người xưa dùng hình ảnh của ngày xuân để nói lên cuộc sống vị tha. Hầu hết tất cả liễn xuân người ta điều nói đến cái chung, cái của mọi người, mọi nhà, của thiên nhiên vũ trụ chớ không có ta nhất thể, độc lập. Chính cái chung nhất thể đó đã làm cho con người hưởng trọn hồn xuân mà không phải mất phần. Khi cái chung nó trùm khắp tức tự nó sẽ đem lại trổ cho ta đầy hoa trước ngõ. Hay câu: Đại tạo vô tư… Đại tạo là nói cái khí của trời đất đó là cái xuân của vũ trụ chứ nó không phải dành riêng cho bất cứ một ai, nơi nào, xứ nào nó cũng đem hơi ấm đến, chính vì cái chung đó của vũ trụ bao la cho nên khi tiết xuân trở về thì nó luôn luôn mang lại cái hương sắc mùa xuân cho ta. Câu tuyệt nhất là câu: Thả hỉ tân niên… tác giả hưởng mùa xuân bằng cách là quên tất cả những gì vướng bận của cuộc trần, để rồi từ đây mới có thể thong dong tìm về cái bản thể của chính mình mà vui thú với hồn xuân. Ở đây cho ta thấy người xưa hưởng xuân bằng cái hòa nhập tâm hồn vào cái thể bao la của trời đất, họ đã quên tất cả những gì còn bận bịu cho một chút lợi riêng. Thật là tuyệt vời, sâu thẳm của cái tâm hồn của người biết hưởng xuân. Chính cái quên hết để hòa nhập vào thiên nhiên thì ngay khi đó ta mới hưởng được một cách trọn vẹn của trời xuân.

“Quên” ở đây nó không mang tính chất của nghĩa đạo đức, mà nó mang một khái niệm của sự chuyển hóa. Từ cái quên con người mới có sự vươn lên để tìm chân lý và để trở về cái chất thật của con người. Hồn xuân, ý xuân là chỗ đó, điều này nó được thể hiện qua câu liễn xuân mà hầu như ai cũng được biết: Thiên tăng tuế nguyện nhơn tăng thọ. Xuân mãn càn khôn phước mãn đường.

Trong những câu liễn xuân đặc biệt có câu rất thâm thúy đó là câu:

Bất thị hiếu dễ hữu cung, cánh hữu hà sự khả lạc.

Chỉ thử khiêm hòa ung mục, tự nhiên đáo xứ giai xuân.

Nghĩa là: không giữ được hiếu thảo kính thuận, thì còn việc gì đáng vui nữa. Chỉ cốt khiêm tốn hòa mục, tự nhiên đến đâu cũng đều là xuân cả. Đây là câu mà người xưa dụng ý để giáo dục về đạo đức, hiếu thảo mà đạo lý vốn có nghìn đời của dân tộc Việt Nam, để nhắc nhở cho ta thấy trong ngày xuân ta không thể nào vong ơn đối với bậ danh thành dưỡng dụ, cho nên nói muốn có xuân trùm khắp mọi nơi, chỉ khi nào ta biết khiêm cung và hiếu thảo với cha mẹ… Thật là phương pháp giáo dụ cao thâm.

Mùa xuân về tôi cùng các bạn ta hãy thả hồn mình hòa nhập vào khí trời bao la, thanh thoát của mùa xuân và hãy quên đi những gì sầu khổ của cuộc đời để ta hưởng trọn một niềm Xuân.